10 lưu ý khi sử dụng điện trong mùa nắng nóng

10 lưu ý khi sử dụng điện trong mùa nắng nóng

Vào mùa hè, các thiết bị điện dễ rơi vào trạng thái quá tải do hoạt động tối đa công suất, dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Ngay bên dưới là những lưu ý quan trọng khi sử dụng điện trong mùa nắng nóng cao điểm mà bạn không nên bỏ lỡ.

1. Tìm hiểu nguyên nhân gây tình trạng cháy nổ điện
Tình trạng cháy nổ điện xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc biệt, khi bạn sử dụng điện trong mùa nắng nóng cao điểm, tỉ lệ xảy ra sự cố liên quan đến điện cao hơn mức bình thường. Sau đây là những nguyên nhân gây ra tai nạn điện:

- Sửa chữa điện khi chưa cắt cầu dao điện tổng.

- Vi phạm khoảng cách an toàn điện.

- Chạm trực tiếp vào các vật mang điện như ổ cắm, dây điện trần, dây điện bị hở…

- Không mang đồ bảo hộ, không sử dụng công cụ hỗ trợ khi kiểm tra đường dây hay các thiết bị điện.

Sử dụng dây điện, ổ cắm điện, thiết bị điện kém chất lượng

2. Những lưu ý bạn không nên bỏ qua khi sử dụng điện trong mùa nắng nóng
2.1. Kiểm tra, lắp đặt nguồn điện an toàn
- Lắp đặt aptomat hoặc cầu dao điện cho đường dây điện chính và từng dây điện phụ trong nhà.

- Sử dụng thiết bị bảo vệ cho từng ổ cắm điện.

- Trang bị máy ổn áp để hạn chế cháy nổ do tình trạng quá dòng, quá áp.

- Không sử dụng giấy bạc, dây kim loại để thay thế cho aptomat, cầu dao, dây chảy cầu chì.

- Lựa chọn dây dẫn có tiết diện phù hợp, kiểm tra các điểm nối của dây dẫn điện để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

- Không phơi quần áo hoặc treo các đồ dùng trên dây điện, bảng điện.

- Không dùng đinh hay dây thép để buộc giữ dây điện, tránh tình trạng chỗ tiếp xúc bị ăn mòn gây rò rỉ điện.

2.2. Không sử dụng thiết bị điện khi đang sạc
Bạn tuyệt đối không nên vừa sạc vừa sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng để tránh cháy nổ, gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng. Sau khi sạc xong, hãy rút dây sạc ra khỏi ổ điện.

2.3. Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ
Trang bị đồ bảo hộ một cách đầy đủ giúp bạn hạn chế được nhiều rủi ro trong quá trình kiểm tra, sửa chữa các thiết bị điện. Lưu ý thêm, nếu bạn phải leo trèo cao hay sửa điện trong phòng kín, hãy nhờ thêm người hỗ trợ để dễ dàng xử lý các tình huống bất ngờ.

2.4. Sử dụng thiết bị điện an toàn
- Sử dụng móc treo chuyên dùng cho các thiết bị chiếu sáng, tránh treo trực tiếp bằng dây dẫn.

- Không dùng các loại vật liệu dễ cháy để bao che bóng điện.

- Không lắp đặt ổ cắm điện ở trong nhà tắm, nhà vệ sinh.

- Cấm đặt các chất gây cháy như gas, xăng, dầu, giấy báo… gần các thiết bị, dụng cụ điện.

- Không để trẻ nhỏ sử dụng các thiết bị điện trong nhà.

- Rút phích cắm điện khi không có nhu cầu sử dụng.

2.5. Kiểm tra hệ thống đường điện
Kiểm tra đường dây điện thường xuyên sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ cháy nổ khi sử dụng điện trong mùa nắng. Trong trường hợp dây điện bị đứt, bạn phải sửa chữa hoặc thay thế rồi mới được tiếp tục sử dụng.

2.6. Kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện thường xuyên
Bạn nên thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện trong nhà để sửa chữa và thay thế khi cần thiết. Khi không có nhu cầu sử dụng hoặc đang sử dụng mà bị cúp điện, bạn phải rút phích cắm ra khỏi nguồn điện để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, hãy duy trì thói quen kiểm tra, bảo dưỡng, vệ sinh cho các thiết bị, dụng cụ điện.

2.7. Lưu ý khi trời có sấm sét, ngập nước
Khi trời mưa to hoặc mưa kèm theo sấm sét, bạn hãy rút dây cắm ăng-ten hoặc dây cáp ra khỏi tivi. Đồng thời rút phích cắm tivi ra khỏi ổ điện để tránh sét lan truyền. Trong trường hợp nhà bị ngập nước, tốc mái, đổ tường… bạn nên ngắt cầu dao điện tổng.

2.8. Lắp đặt các thiết bị đóng cắt điện đúng cách
Khi lắp đặt các thiết bị đóng cắt điện, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc sau đây:

- Lắp đặt cầu dao tổng hoặc aptomat ở đầu dây cấp điện chính, các nhánh rẽ ở từng tầng nhà.

- Lắp đặt cầu chì ở trước mỗi ổ cắm điện, giúp ngắt dòng điện khi quá tải hoặc chập cháy.

- Thiết bị bảo vệ đóng cắt điện lắp đặt trên dây pha, tốt nhất là lắp đặt đồng thời trên cả dây pha và dây trung tính.

- Ở những vị trí có nguy cơ ngập nước nên lắp đặt các thiết bị chống rò rỉ điện.

- Lựa chọn thiết bị đóng cắt điện tương ứng với công suất sử dụng

2.9. Đảm bảo vị trí lắp đặt các thiết bị điện thuận lợi và an toàn
Cầu dao tổng, cầu chì, ổ điện, công tắc cần được bố trí ở nơi cao ráo, thuận tiện cho quá trình sử dụng hàng ngày. Với những gia đình có trẻ nhỏ và nằm trong vùng có nguy cơ ngập nước, hãy lắp đặt các thiết bị điện cách sàn nhà ít nhất 1,4m.

2.10. Những biện pháp an toàn khác khi sử dụng điện
- Không chạm tay ướt vào các thiết bị điện, đóng ngắt cầu dao hay công tắc, rút phích cắm điện.

- Cấm sử dụng điện để chống trộm, bắt cá, bẫy chuột.

- Không treo quần áo vào dây dẫn điện.

3. Cách ứng phó khi xảy ra cháy do điện
Trong quá trình sử dụng điện, nếu xảy ra cháy, bạn phải nhanh chóng cắt cầu dao tổng, báo mọi người xung quanh và gọi cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Trong thời gian chờ sự hỗ trợ của lực lượng chữa cháy, bạn hãy dùng những phương tiện sẵn có để dập lửa nhưng cấm dùng nước khi chưa cắt điện.

Mỗi gia đình nên trang bị từ một đến hai bình chữa cháy xách tay bằng khí CO2, N2 để chữa cháy trong quá trình sử dụng điện.



Bài viết khác
© 2024 TKCMOBILE, Bản quyền thuộc về tkcmobile.com